Bệnh sởi là bệnh lây truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây nên, có thể gây dịch là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận hơn 160 trường hợp mắc sởi và phát ban nghi sở (tăng 2,2 lần so với cùng ký năm 2023). Riêng tại Hà Nội, sau hơn 1 năm không ghi nhận ca bệnh, mới đây trên địa bàn Thủ đô đã có ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Các chuyên gia lo ngại, theo chu kỳ 4-5 năm/lần thì năm 2024, dịch sởi có nguy cơ bùng phát.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Bệnh Sởi là bệnh gì?
Sởi là một bệnh lưu hành rộng và có tốc độ lây nhiễm rất cao đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi. Chính vì vậy, bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.
Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đã xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.
Triệu chứng của bệnh Sởi
Bệnh có các triệu chứng khởi đầu: Sốt, viêm màng kết mạc mắt, viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 – 7 ngày. Đôi khi bệnh kết thúc trong quá trình tróc vảy; giảm bạch cầulà triệu chứng phổ biến của bệnh.Đặc điểm để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, nổi các vết phát ban dát đỏ lan theo thứ tự từ mặt đến tay chân và cả cơ thể.
Bệnh có diễn biến nặng hơn ở trẻ nhỏ và người lớn. Biến chứng của bệnh có thể do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn bao gồm:Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính, viêm thanh khí phế quản (croup) và viêm não. Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi do viêm não.
Phương thức lây truyền
Bệnh lây truyền bởi không khí bị nhiễm các hạt nước miếng có chứa virus, thường lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Và đôi khi, có thể lây bởi những đồ vật mới bị nhiễm bẩn, các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới trên 94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.
Thời gian ủ bệnh sởi trong khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể giao động từ 7 đến 18 ngày kể từ khi tiếp xúc đến khi bắt đầu sốt, thường là 14 ngày cho đến khi phát ban, rất hiếm có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn hoặc ngắn hơn.Bệnh sẽ lây truyền khi bắt đầu thời kỳ tiền triệu cho đến sau phát ban 4 ngày, ít nhất là sau phát ban 2 ngày. Virus vaccine đã chứng minh là không lây truyền được.
Xác định bệnh sởi
Có thể nghi ngờ bệnh sởi ở một bệnh nhân bị sổ mũi, viêm kết mạc, sợ ánh sáng và ho nhưng thường chỉ nghi ngờ bệnh sởi sau khi có phát ban. Chẩn đoán thường là dựa vào lâm sàng, bằng cách nhận biết các hạt Koplik hoặc phát ban. Công thức máu đầy đủ là không cần thiết, nhưng nếu thu được, có thể cho thấy giảm bạch cầu với tăng tế bào lympho tương đối.
Xác nhận của phòng thí nghiệm là cần thiết cho các mục đích kiểm soát ổ dịch của y tế công cộng. Điều này được thực hiện dễ dàng nhất bằng cách chứng minh sự hiện diện của kháng thể IgM sởi trong mẫu huyết thanh cấp tính hoặc bằng cách nuôi cấy vi rút hoặc RT-PCR của mẫu gạc họng, máu, dịch mũi họng hoặc mẫu nước tiểu. Sự gia tăng mức kháng thể IgG giữa huyết thanh giai đoạn cấp tính và hồi phục có độ chính xác cao, nhưng để thu thập thông tin này sẽ trì hoãn việc chẩn đoán. Tất cả các trường hợp nghi ngờ sởi nên được báo cáo cho sở y tế địa phương ngay cả trước khi có chẩn đoán xác định từ xét nghiệm.
Điều trị và phòng ngừa bệnh sởi
Điều trị bệnh sởi là hỗ trợ, bao gồm cả viêm não.Bệnh nhân dễ lây nhất trong 4 ngày sau khi phát ban. Những bệnh nhân khỏe mạnh và có thể được xử trí như bệnh nhân ngoại trú cần phải được cách ly y tế khỏi những người khác trong thời gian họ bị bệnh.
Các bệnh nhân bị sởi nhập viện nên được quản lý với các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn và lây truyền qua đường không khí. Cần có các phòng cách ly một bệnh nhân phòng lây nhiễm qua đường hô hấp và các máy thông khí N-95 hoặc các thiết bị bảo vệ cá nhân tương tự. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh sởi ở trẻ em ở các vùng chưa được phục vụ về mặt y tế. Vì nồng độ vitamin A trong huyết thanh thấp có liên quan đến bệnh nặng do sởi, nên điều trị bằng vitamin A được khuyến cáo cho tất cả trẻ bị sởi. Liều được cho uống một lần/ngày trong 2 ngày và phụ thuộc vào tuổi của trẻ:
- ≥ 12 tháng: 200.000 đơn vị quốc tế (IU)
- 6 đến 11 tháng: 100.000 IU
- < 6 tháng: 50.000 IU
Ở trẻ em có dấu hiệu lâm sàng thiếu vitamin A, cần một liều bổ sung duy nhất, liều tuỳ thuộc lứa tuổi được lặp lại 2 đến 4 tuần sau đó.
Chính vì vậy, một trong những cách phòng ngừa dịch bệnh như:
- Tiêm vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của bộ y tế.
- Cách ly người mắc bệnh sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch.
- Bệnh nhân và những người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế.
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
- Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thường xuyên.
- Nâng cao thể trạng, dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/measles/hcp/index.html
https://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/00041753.htm
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32309885/
https://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/rr6204a1.htm