Chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron được ghi nhận mới xuất hiện tại Việt Nam, chủng phụ này lây lan nhanh, tuy nhiên số ca nhập viện và tử vong ít hơn nhiều so với biến chủng Delta trước đó.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
BA.5 gây ra đợt sóng COVID mới
PGS Đỗ Văn Dũng cho biết người đã từng nhiễm các biến chủng Omicron trước đó hoàn toàn có thể nhiễm BA.5, do đó ở các quốc gia đã từng trải qua đợt bùng phát dịch BA.1 hay BA.2 vẫn có thể tăng nhanh số ca bệnh.
Các nhà khoa học ước tính rằng khi có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5, nó sẽ gây nhiễm cho khoảng 5% – 30% dân số tùy theo tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19. Hiện Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin cao nên ước lượng tỉ lệ nhiễm biến chủng phụ này sẽ thấp hơn 5%.
“Như vậy, BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch (nhưng chưa phải là bùng phát dịch), làn sóng dịch này nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây” – PGS Dũng nhận định.
Về số ca nhiễm có dấu hiệu tăng ở một số tỉnh thành những ngày gần đây có liên quan đến BA.5 hay không, PGS Dũng cho biết hiện nay còn chưa rõ vì ở Việt Nam chưa giải trình tự tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 mới.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng là BA.5 đã xuất hiện và chiếm phần lớn các trường hợp trong các ca COVID-19 mới phát hiện. Vì ngay cả nhiều quốc gia phát triển người ta vẫn ghi nhận nhầm BA.5 là BA.2 nên việc phát hiện chậm trễ BA.5 là hoàn toàn có thể.
Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thông tin thêm một số nghiên cứu, đánh giá nhỏ cho thấy biến chủng phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến chủng phụ cũ cùng liên quan đến Omicron (BA.2, BA.1), song chưa có bằng chứng về tỉ lệ trở nặng ở biến chủng mới.
“Bộ Y tế tiếp tục theo dõi biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đó điều chỉnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch để thích nghi với tình hình mới”, ông Lân cho hay.
6 triệu chứng cần lưu ý
Nếu nhiễm biến chủng mới BA.5, người bệnh hay gặp các triệu chứng dưới đây:
– Sốt hoặc ớn lạnh
– Khó chịu
– Mất khứu giác
– Ho
– Mệt mỏi
– Nghẹt mũi hoặc sổ mũi.
Ngoài các triệu chứng đã đề cập ở bên trên, CDC cũng kêu gọi mọi người lưu ý với các triệu chứng dưới đây:
– Khó thở
– Đau nhức cơ bắp hoặc cơ thể
– Chứng nhức đầu
– Đau họng
– Buồn nôn hoặc ói mửa
– Tiêu chảy
Người đã từng tiêm vắc xin COVID-19 có chống được biến chủng phụ BA.5?
Trước tình hình có biến chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả ra sao?
PGS Dũng cho biết: “Cũng tương tự như các biến chủng phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vắc xin một phần. Nhưng vắc xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn tiến nặng và tử vong đối với BA.5.
Vì vậy người dân cần đi tiêm chủng khi có chỉ định tiêm chủng. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) khi đã qua 4 tháng kể từ lúc tiêm mũi 3″.
Theo PGS Dũng, hiện nhiều người có suy nghĩ là nếu đã nhiễm Omicron rồi thì sẽ có miễn dịch tốt hơn nên không cần tiêm mũi 4. Điều này là không đúng vì các nghiên cứu cho thấy nếu nhiễm Omicronn BA.1 và chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém.
Nếu đã nhiễm Omicron BA.1 sau khi đã tiêm chủng thì kháng thể sẽ bảo vệ chống lại biến chủng Delta và Omicron BA.1, nhưng kháng thể đã có không bảo vệ với Omicron BA.4 và BA.5. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm các mũi nhắc lại của vắc xin COVID-19 để đối phó với làn sóng dịch này do BA.5.
“Người dân cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng với biến chủng phụ này. Và nhớ rằng BA.5 không phải là biến chủng cuối cùng, vì vậy người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với hoàn cảnh và sinh hoạt, cũng như tiêm chủng vắc xin theo lịch tiêm được ngành y tế khuyến cáo”, PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo TS Vương Ánh Dương, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vắc xin để phòng mắc COVID-19 là trên 50%.
Ông Dương dẫn chứng: “Nghiên cứu gần đây do tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh. Cụ thể, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 là 52%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 là 76%.
Theo các chuyên gia y tế mỗi loại vắc-xin có cơ chế và hiệu lực khác nhau, nhưng đều giúp giảm tỉ lệ ca bệnh nặng, tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch đang diễn biến phức tạp và có khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron chiếm chủ yếu nhưng vẫn chưa thực sự là biến chủng cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, nâng cao hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Nguồn: Sưu tầm