Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến lĩnh vực công nghệ sinh học, được thể hiện trong Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Với quan điểm “phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới”, đặc biệt sau bối cảnh gần 3 năm diễn ra đại dịch COVID-19. Ngày 30/01/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị về bất cứ lĩnh vực nào cũng là các định hướng về chính sách và chủ trương lớn. Do đó, có thể xem đây là dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành công nghệ sinh học tại Việt Nam khi lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết cao nhất về lĩnh vực công nghệ sinh học.
Theo đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh: Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học. Quan điểm của Bộ Chính trị cho thấy lĩnh vực công nghệ sinh học ngày càng được chú trọng trong đường lối phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, được xem là một lĩnh vực vô cùng triển vọng cho khối kinh tế tư nhân và nhân lực ngành công nghệ sinh học trong tương lai.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, nước ta là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã đề ra 05 nghiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện pháp luật, cơ chế và chính sách; xác định các lĩnh vực tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học và đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Các nhiệm vụ và giải pháp mang tính chỉ đạo của Bộ Chính trị đã được đặt ra. Kế tiếp là các chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành để thực hiện Nghị quyết. Trong tương lai, chúng ta tin rằng cơ chế và chính sách cho lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ ngày một rõ ràng và thuận lợi hơn, hứa hẹn rất nhiều cơ hội hấp dẫn dành cho doanh nghiệp và nhân lực công nghệ sinh học.