Các đặc điểm sinh học của Virus dịch tả lợn Châu Phi (African swine fever virus- ASFV)
ASFV là Virus DNA sợi kép thuộc họ Asfarviridae. Bộ gen dài 170-193kbp và mã hóa cho 150-167 protein
Cách thức tăng sinh: nhân lên trong tế bào chất của tế bào chủ (đặc biệt là đại thực bào của tế bào chủ)
Các con đường lây nhiễm, truyền bệnh dịch tả lợn châu Phi
- Khả năng lây lan đến 85% khi trong chuồng trại có xuất hiện dịch
- Tiếp xúc trực tiếp qua đường miệng-mũi hoặc qua các vết trầy da, dịch cơ thể
- Lây qua đường tiêu hóa, nhân lên ở các hạch vùng họng, đi qua máu dẫn đến nhiễm trùng máu và đi khắp các bộ phận cơ thể gây xuất huyết ngoài da, mắt, các bộ phận nội tạng, có thể xâm nhập vào bào thai
- Lây truyền gián tiếp từ lợn rừng sang lợn nhà (và ngược lại) qua bọ ve mềm thuộc loài Ornithodoros là ổ chứa virus
- Lây truyền dọc từ mẹ sang con
- Truyền qua tinh dịch: Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp cho thấy ASFV lây truyền qua tinh dịch (Mazur- Panasiuk và cộng sự, 2019), nhưng có nghiên cứu cho thấy ASFV có thể được phát hiện trong tinh dịch của heo nọc bị nhiễm bệnh (Thacker và cộng sự, 1984).
- Truyền qua quá trình khám chữa bệnh: ASFV có thể lây lan từ heo nhiễm bệnh sang heo mẫn cảm qua các thiết bị/vật liệu thú y bị vấy nhiễm, chẳng hạn như kim tiêm dùng để tiêm phòng (Penrith và cộng sự, 2009 & Beltran- Alcrudo và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, hiệu quả của con đường lây nhiễm này và tầm quan trọng của nó trong dịch tễ học của ASFV vẫn chưa rõ ràng.
Các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi:
- Sốt cao, chán ăn, có thể xuất huyết ở tai.
- Khi bệnh tiến triển: động vật có thể bỏ ăn, tiêu chảy ra máu, nôn mửa, sảy thai
- Bệnh lí đặc trưng: viêm mạch máu bao gồm xuất huyết da (thâm tím), phù phổi, lách to, viêm hạch xuất huyết và xuất huyết thận, phổi và bang quang tiết niệu
- Nhiễm trùng có liên quan đến giảm bạch cầu lympho và giảm tiểu cầu, phá hủy các tế bào nội mô mạch máu và khởi phát đông máu nội mạch lan tỏa
- Lây lan nhanh và ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ tử vong trên lợn bị nhiễm bệnh là rất cao có thể lên tới 100% bởi hiện nay chưa có thuốc điều trị và vacxin hiệu quả để bảo vệ lợn khỏi bệnh và chủng ASFV độc lực cao. ASF không phải là mối nguy hiểm đối với con người nhưng gây tử vong cho lợn nuôi và lợn rừng. Virus có thể tồn tại trong thời gian vài tuần hoặc vài tháng trong các sản phẩm thịt (ngay cả trong nhiệt độ rất lạnh) và việc cho lợn ăn có thể dẫn đến nhiễm trùng. Thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín.
- Các biểu hiện bệnh có tương đồng với bệnh phó thương hàn
Tình trạng dịch tả lợn châu Phi trên thế giới và ở Việt Nam
ASF được mô tả lần đầu tiên vào năm 1921 tại Kenya và lây lan trong nội bộ khu vực châu Phi cho đến năm 1957 – thời điểm có báo cáo xuất hiện dịch ở Bồ Đào Nha. Vào những năm 1970, ASF xuất hiện ở khu vực Ca-ri-bê và Brazil nhưng cũng được dập tắt thành công. Năm 2007, bệnh lại một lần nữa vượt ra khỏi biên giới châu Phi, xuất hiện ở khu vực Cáp-ca-dơ và ở Nga. Năm 2014, bệnh đã xâm nhập vào khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Bun-ga-ri và Ba Lan… Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Thúy y thế giới vào giai đoạn từ ngày 1/2/2019 đến 14/2/2019, ASF đã gây chết hơn 5.600 lợn ở châu Á, trong đó Trung Quốc chết 4776 con, Mông Cổ chết 896…). Tại châu Âu (Estonia, Italia và Lithuania) số lợn chết hoặc tiêu hủy vì ASF là 196, còn tại châu Phi số lợn bị chết là 156 (tại Zimbabwe).
Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức công bố dịch tả lợn châu Phi. Theo Cục Thú y, từ ngày 1/2/2019, tại Hưng Yên đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên) và Yên Hòa (huyện Yên Mỹ) với hàng trăm con lợn bị nhiễm bệnh. Còn tại Thái Bình đã phát hiện bệnh ở một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà.
Các phương pháp có thể phát hiện virus gây dịch sốt lợn Châu Phi
Dựa trên đặc điểm bộ gen của virus, hiện tại có nhiều phương pháp SHPT có thể phát hiện được ASFV như: PCR truyền thống, Real-time PCR, ELISA hoặc giải trình tự.
Loại mẫu đầu vào: thịt lợn, máu kháng đông bằng EDTA, lách, hạch bạch huyết, hạch hạnh nhân vùng họng…
Hiện tại, ABT đang cung cấp bộ kit phát hiện virus ASF bằng phương pháp Real-time PCR- TopSAFE ® ASFV REALTIME PCR KIT có độ nhạy cũng như độ đặc hiệu cao.
Các biện pháp phòng chống và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Phòng chống:
Nên vệ sinh chuồng trại thường xuyên
Không sử dụng thức ăn thừa của con người cho lợn, vì trong thức ăn thừa có thể chứa các virus ASF
Tăng sức đề kháng cho lợn bằng cách bổ sung các vitamin, khoáng vào khẩu phần ăn
Ngăn chặn:
Ngay khi phát hiện lợn có biểu hiện lâm sàng như đã nêu, ngay lập tức cần cách ly và tìm rõ nguyên nhân bằng cách thông báo đến các trung tâm chẩn đoán thú y, chi cục thú y vùng, cơ quan thú y vùng để xác định rõ tác nhân gây bệnh và từ đó xử lí theo đúng khuyến cáo
Thay đổi khẩu phần ăn cho lợn đang có biểu hiện bệnh: cho khẩu phần ăn nhiều rau, nước thay cho cám.
Tình hình Vaccine ASFV tại Việt Nam
Hiện có 2 loại vaccine DTLCP là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành.
Đây là những vaccine phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh DTLCP được cấp phép trên thế giới.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức giám sát chất lượng, giám sát sử dụng 600.000 liều vaccine trong điều kiện chăn nuôi thực tiễn tại Việt Nam.
Kết quả đến tháng 7/2023, đã có hơn 650.000 liều vaccine DTLCP được kiểm soát chất lượng đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỉ lệ lợn được tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.
Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp, đánh giá việc kiểm soát chất lượng và sử dụng 600.000 liều vaccine tại hơn 40 tỉnh, thành phố, cho kết quả an toàn, vaccine có hiệu lực. Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, đề xuất các vaccine DTLCP trên đủ điều kiện để được phép lưu hành, sử dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, theo đề nghị của một số quốc gia, Việt Nam đã hỗ trợ, cử chuyên gia và phối hợp tổ chức tiêm phòng 2 loại vaccine DTLCP trên.
Cụ thể, vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO đã được sử dụng tại Cộng hòa Dominica cho kết quả tốt. Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Dominica đã có Công thư cảm ơn, đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT Việt Nam, các đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tiến tới bán vaccine để sử dụng tại Cộng hòa Dominica.
Vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam đã được sử dụng để tiêm cho các đàn lợn và đánh giá thận trọng tại Philippines. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vaccine đạt an toàn, 100% lợn được tiêm vaccine AVAC ASF LIVE có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể. Hiện nay, các cơ quan thẩm quyền của Philippines đang thúc đẩy để các doanh nghiệp của Philippines khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký nhập khẩu vaccine DTLCP của Việt Nam.
Theo đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 4-5/2023 dựa trên các kết quả nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, cấp phép lưu hành và giám sát sử dụng vaccine tại Việt Nam, đã khẳng định kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP của Việt Nam tương đồng với kết quả nghiên cứu của phía Hoa Kỳ. Việc tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng vaccine DTLCP (vô trùng, an toàn và hiệu lực) của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vaccine do các nhà khoa học xây dựng và đã được trình lên Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) để xem xét, thông qua.
Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/vaccine-dich-ta-lon-chau-phi-chinh-thuc-duoc-su-dung-tren-ca-nuoc-102230724171730692.htm
https://nhachannuoi.vn/mien-dich-vo-trung-co-kha-nang-chong-lai-asfv/