Việt Nam vừa ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang. Tình hình dịch cúm gia cầm đang có những diễn biến phức tạp, không chỉ gây ra các đợt dịch ở gia cầm mà còn ghi nhận lây nhiễm sang động vật có vú và người.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Cúm A/H9 là gì?
Bệnh cúm A nói chung trong đó có cúm A/H9 là bệnh do virus gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Người bệnh thường có các triệu chứng như ho, sốt, nhức đầu, khó chịu… Tỷ lệ tử vong do cúm A tùy theo các chủng khác nhau.
Ngày 6/4, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên từ trước đến nay. Trước đây, vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do mắc cúm A (H5N1) trên người. Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bênh nền, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 02 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Cam-pu-chia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H9N2) lây từ người sang người.
2. Biểu hiện mắc cúm A/H9
Khi nhiễm cúm A/H9, các triệu chứng ban đầu tương tự như các triệu chứng của các loại virus cúm khác, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Sốt
- Ho
- Đau đầu
- Khó thở
- Dấu hiệu của viêm đường hô hấp như chảy nước mũi, hắt hơi…
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra tình trạng viêm phổi do virus, các tổn thương tiến triển rất nhanh có thể gây suy hô hấp, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người.
3. Phòng chống cúm gia cầm bằng cách nào?
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
- Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
- Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
4. Điều trị cúm gia cầm
Khi mắc virus cúm A nói chung và cúm A từ gia cầm nói riêng, người bệnh có thể sẽ được sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để điều trị. Các thuốc này có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus. Tuy nhiên các loại thuốc đặc hiệu chỉ có giá trị nhất định trong giai đoạn sớm khi mới nhiễm bệnh. Chủ yếu là việc điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, bù nước điện giải. Khi người bệnh có những biểu hiện của bội nhiễm cần sử dụng kháng sinh, hoặc những trường hợp nặng cần can thiệp hô hấp chuyên sâu như thở oxy, thở máy, tim phổi nhân tạo…