MỤC LỤC BÀI VIẾT
Công nghệ sinh học là gì?
Công nghệ sinh học là 1 trong số các ngành phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cuộc cách mạng 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Công nghệ sinh học là ngành kết hợp các công nghệ, quy trình kỹ thuật hiện đại cùng nền tảng khoa học sinh học để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất, y tế, nghiên cứu, môi trường,…
Trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ enzyme, vi sinh nổi bật là sản xuất thực phẩm, sản xuất thuốc, sản xuất chế phẩm sinh học ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: chăn nuôi, nông nghiệp, thủy sản, xử lý môi trường…
Trong lĩnh vực y tế, công nghệ sinh học đặc biệt là sinh học phân tử ứng dụng rất mạnh mẽ trong vấn đề chẩn đoán tác nhân gây bệnh, giải trình tự gen ứng dụng sàng lọc thai nhi, nuôi cấy phôi ứng dụng trong thụ tinh nhân tạo, thuốc đích,…
Triển vọng ngành công nghệ sinh học
Theo Global Market Insights, trong giai đoạn từ nay đến 2025, ngành công nghệ sinh học trên thế giới được dự báo sẽ có mức tăng trưởng khá cao, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò dẫn đầu quốc tế với mức tăng cao nhất là 9%, tập trung ứng dụng vào 3 lĩnh vực chính giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người là nông nghiệp, dược học và y học.
Tại Việt Nam, ngành công nghệ sinh học nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay đến 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ với hơn 500 doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu đang hoạt động. Do đó, thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ sinh học được nhận định là có tiềm năng phát triển rất lớn cả trong nước và quốc tế.
Công nghệ sinh học – học ra làm ngành gì?
Hãy cùng ABT điểm qua một số ngành nghề khi học công nghệ sinh học các bạn có thể theo đuổi:
- Nghiên cứu viên về sinh học thực nghiệm, di truyền học, vi sinh vật học, y sinh, dược học ở các viện, trung tâm nghiên cứu của các bộ, ban, ngành, các trường đại học.
- Nhân viên sản xuất, nhân viên nghiên cứu tại các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học, vi sinh, thực phẩm…
- Kỹ thuật viên xét nghiệm tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng khám tư nhân.
- Kỹ thuật viên tại các phòng thí nghiệm phân tích, kiểm nghiệm, quản lý chất lượng của các trung tâm kiểm nghiệm, công ty sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng, công ty sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, các trung tâm xét nghiệm ADN huyết thống tư nhân…
- Giảng viên tại trường đại học với ngành đạo tạo liên quan
- Chuyên viên tại các cơ quan quản lý liên quan đến công nghệ sinh học thuộc các bộ, ban, ngành; các tổ chức phi chính phủ
(Bài viết có tham khảo thông tin từ ĐH USTH, Học viện nông nghiệp, ĐHBKHN)