Cúm chim (avian influenza hay bird flu) hay cúm gia cầm là một loại bệnh được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là một bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm vào một vài loài động vật có vú.
Gần đây nó được quan tâm trở lại khi xuất hiện những trường hợp mắc virus H5N1 và đã có trường hợp tử vong ở Campuchia. Theo thông tin từ WHO, tại đây đã ghi nhận 2 ca nhiễm virus cúm A/H5N1 ở người. Hai bệnh nhân là cha và con gái tại một ngôi làng ở tỉnh Prey Veng. Không may trong 2 bệnh nhân có kết quả dương tính với loại virus này, cô con gái đã qua đời và có thêm một vài trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. WHO đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Campuchia để xác định xem, liệu hai cha con có tiếp xúc trực tiếp với các loại gia cầm như gà Campuchia bị nhiễm bệnh hay không.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và hiện tại cúm A/H5N1 chưa có vaccine để điều trị, cần cẩn thận để tránh không bị lây nhiễm bệnh.
Vì vậy tìm hiểu rõ về loại bệnh cúm A/H5N1 này có thể giúp chúng ta phòng tránh được những nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng ở môi trường xung quanh.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Vậy cúm H5N1 là gì ?
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên.
Phổ biến là A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.
2. Cúm A biểu hiện như thế nào?
Bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H5N1 được chẩn đoán khi có các triệu chứng sau đây:
- Tiền sử dịch tễ: đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.
- Biểu hiện lâm sàng: Bệnh diễn biến cấp tính và có thể có các biểu hiện sau đây:
+ Sốt trên 38℃, có thể rét run.
+ Ho, thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên… Khó thở, thở nhanh, tím tái.
+ Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.
+ Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng.
+ X quang phổi: Tổn thương thâm nhiễm lan toả một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh.
+ Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.
* Ca bệnh xác định: Xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1
Đặc biệt phát hiện triệu chứng cúm a ở trẻ, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Phần sau sẽ giải thích kĩ hơn về các tác nhân gây bệnh.
3. Nguyên nhân gây bệnh cúm A/H5N1 là gì?
Virus gây bệnh cúm gia cầm được phát hiện lần đầu tiên tại Ý cách đây hơn 100 năm và giờ đây đã xuất hiện hầu khắp trên toàn thế giới. Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae.
Con người sống gần lợn và các loài gia cầm chính là điều kiện làm thay đổi tăng tính kháng nguyên của virus. Bởi vì lợn có thể đóng vai trò như là động vật trộn lẫn các vật liệu di truyền của các virus cúm chim và cúm người tạo nên virus cúm mới.
Trong số 15 phân loại cúm A, H5N1 được quan tâm vì:
- H5N1 biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các virus nhiễm từ các loài động vật khác nhau.
- H5N1 có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người.
- Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư.
- H5N1 có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.
- Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng là người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.
Khả năng tồn tại của virus bên ngoài môi trường:
- Virus không thể tồn tại ở nhiệt độ 50℃ trong 3 giờ và 60℃ trong vòng 30 phút, ngoài ra chúng cũng bị tiêu diệt bởi các chất tẩy uế thông thường như formalin hay iodine,…
- Các loại virus có độc lực cao có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở nhiệt độ 40C. Nếu ở đóng băng, chúng có thể sống trong nhiều năm. Ở nhiệt độ 37℃ nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm.
4. Nguồn truyền nhiễm
Các loài chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của virus cúm gia cầm và chúng thường đề kháng với nhiễm virus, có nghĩa là chúng mang virus mà không bị bệnh. Các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với virus cúm chim. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch. Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch. Các virus cúm chim bình thường không gây nhiễm cho các loài khác ngoài chim và lợn. Nhiễm virus cúm gia cầm ở người xảy ra đồng thời với dịch cúm gia cầm có độc lực cao ở các loài gia cầm. Các điều tra cho thấy người bệnh có tiếp xúc mật thiết với gia cầm nhiễm bệnh. Các nghiên cứu về di truyền xác định rằng virus đã lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.
Thời kỳ ủ bệnh của cúm H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm theo mùa, từ 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với virus dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị đến thời kỳ ủ bệnh là 7 ngày áp dụng cho điều tra và theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Thời kỳ lây bệnh như cúm theo mùa, người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7-10 ngày.
5. Nguy cơ lây nhiễm bệnh ở người
Về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, vì là virus của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người là rất thấp. Trong hàng trăm tuýp virus cúm gia cầm, hiện chỉ có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người, đó là H5N1, H7N3, H7N7 và H9N2. Nhìn chung, người thường mắc thể nhẹ, rất ít khi bị nặng trừ khi nhiễm H5N1. Trên thực tế, khả năng lây nhiễm virus cúm A/H5N1 là rất khác nhau. Nhiều người cùng bị phơi nhiễm với virus cúm A/H5N1 nhưng chỉ có một số rất ít người mắc bệnh. Hiện nay, người ta chưa biết rõ yếu tố nào làm tăng cảm nhiễm với virus. Một số người cho rằng yếu tố cơ địa hay yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức đóng vai trò quan trọng đến tính cảm nhiễm với bệnh.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo trong thời gian tới có thể xảy ra đại dịch cúm, ước tính hàng triệu người mắc bệnh và 2 – 7 triệu người tử vong, do có khả năng xuất hiện một chủng virus cúm mới có độc lực cao và lây truyền mạnh từ người sang người, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Các nghiên cứu cho thấy rằng có 3 điều kiện cần thiết để xuất hiện đại dịch. Thứ nhất là chủng virus cúm hoang dại có thể truyền sang cho người. Thứ hai là virus mới có khả năng nhân lên ở người và gây bệnh. Thứ ba là virus mới có khả năng truyền từ người sang người và gây ra các vụ đại dịch lớn.
6. Cách phòng, tránh lây nhiễm bệnh cúm A/H5N1
Không ai có thể dự đoán chính xác khi nào thì đại dịch xảy ra. Cách phòng chống đại dịch tốt nhất là hạn chế sự lây truyền của virus H5N1.
Đối với bệnh nhân.
- Những người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 phải được cách ly tại bệnh viện. Các chất thải của bệnh nhân nhất là chất nôn, đờm rãi… phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Chloramin B.
- Hạn chế tối đa việc vận chuyển bệnh nhân ra khỏi buồng bệnh và khu vực cách ly. Người bệnh phải luôn mang khẩu trang y tế trong thời gian điều trị cũng như khi di chuyển trong bệnh viện. Trường hợp đặc biệt phải chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực cách ly cần sử dụng xe cứu thương chuyên dụng. Người bệnh và nhân viên hộ tống, lái xe phải có trang bị phòng hộ. Phương tiện vận chuyển và xe sau đó phải được khử khuẩn trước khi sử dụng lại.
- Các chất thải trong quá trình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân cúm A/H5N1 phải được xử lý như các chất thải y tế nguy hại.
Đối với người tiếp xúc.
- Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh được lập danh sách theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 380C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
- Những người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hàng ngày.
- Tại gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử khuẩn bề mặt bằng Chloramin B 2% hoặc xử lý không khí bị ô nhiễm bằng fomaline.
- Người tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm phải được trang bị phòng hộ.
- Những người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu dịch thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hàng ngày, đặc biệt đeo mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
7. Phương pháp xét nghiệm
- Kỹ thuật di truyền phân tử (RT-PCR)
- Kỹ thuật xác định trình tự chuỗi nucleotid (sequencing)
- Kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men (ELISA)
- Các phương pháp khác
Để tìm hiểu thêm về phương pháp xét nghiệm trên gia cầm, các bạn có thể xem thêm tại đây: https://abt-vn.com/phuong-phap-phat-hien-cum-h5n1-tren-gia-cam/
8. Nguyên tắc điều trị
- Hiện có 2 loại thuốc kháng virus oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenza) đang được sử dụng để điều trị bệnh H5N1 ở người. Cần phải điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, hiện có ít bằng chứng về hiệu quả của thuốc và người ta đang tiến hành nghiên cứu hiệu quả của dùng liều cao gấp đôi liều đề nghị hiện nay và kéo dài ngày hơn (liều đề nghị hiện nay cho người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 7 ngày).
- Dùng các thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh.
- Hồi sức hô hấp.
- Điều trị suy đa tạng (nếu có).
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc.
- Tiêu chuẩn ra viện.
+ Hết sốt 7 ngày sau khi ngừng kháng sinh.
+ Xét nghiệm máu, X quang tim, phổi ổn định.
+ Xét nghiệm virus cúm A/H5N1 âm tính.
Nguồn: Tổng hợp