Theo Bộ Y tế, trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Congo.
Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 500 trường hợp tử vong. Virus đậu mùa khỉ nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch này.
Bước đầu giới chức y tế ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy ra trong năm 2022-2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác.
Cụ thể, các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài ra, 4 nước giáp với Congo (Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch đậu mùa khỉ đang xảy ra tại Congo. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhánh Ib.
Trước diễn biến của dịch đậu mùa khỉ lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14/8.
Theo Reuters, PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO và nhằm mục đích đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ cũng như các biện pháp và hợp tác y tế công cộng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh.
“Rõ ràng phản ứng phối hợp quốc tế là điều cần thiết để ngăn chặn những đợt bùng phát này và cứu sống mọi người”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Dịch đậu mùa khỉ bùng phát ở Congo ban đầu bởi một chủng đặc hữu, được gọi là nhánh I. Nhưng nhánh Ib dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần gũi thường xuyên, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Dịch đã nhanh chóng lan sang các nước láng giềng như Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Ông Tedros cảnh báo, việc đậu mùa khỉ lây lan thêm ở châu Phi và thậm chí rộng hơn nữa là rất đáng lo ngại.
Trước đó, cơ quan y tế hàng đầu châu Phi đã công bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực sau khi cảnh báo về tốc độ lây lan đáng báo động của đậu mùa khỉ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, có 3 điểm cần lưu ý với đợt bùng phát dịch lần này.
Thứ nhất, năm nay dịch bùng phát mạnh ở Congo và một số nước trong khu vực châu Phi với hơn 15.000 ca bệnh, hơn 500 ca tử vong. Việc đáp ứng y tế của các nước châu Phi không tốt.
Thứ 2, năm 2022 dịch cũng bùng phát ở châu Phi sau đó lan ra nhiều nước trên thế giới. WHO lo ngại điều này có thể lặp lại trong đợt dịch năm nay. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nhánh Ib.
Thứ 3, có thể xuất hiện biến thể mới của virus đậu mùa khỉ, thành chủng nặng hơn như chủng đậu mùa, gây tử vong cao.
Đậu mùa khỉ trở thành đại dịch toàn cầu tiếp theo?
Theo The Conversation, dịch đậu mùa khỉ ở châu Phi giờ đây có thể trở thành đại dịch toàn cầu tiếp theo. Nó là một ví dụ khác về cách các bệnh truyền nhiễm có thể đột nhiên gây ra những mối đe dọa toàn cầu bất ngờ.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1958 ở những con khỉ bị nuôi nhốt và ca bệnh đầu tiên ở người được phát hiện vào năm 1970. Sau đó, trong nhiều thập kỷ, phần lớn các nhà khoa học và y tế công cộng bỏ qua nó. Nó được coi là một bệnh truyền nhiễm không phổ biến, xảy ra ở các vùng nông thôn xa xôi ở châu Phi mà không liên quan đến phần còn lại của thế giới.
Lịch sử gần đây của bệnh đậu mùa khỉ là một lời nhắc nhở khác rằng một căn bệnh truyền nhiễm ở một góc của thế giới không nên được coi là vấn đề của người khác, vì nó có thể đột nhiên bắt đầu lây lan nhanh và xa.
Đợt bùng phát dịch năm 2022 là điều hoàn toàn bất ngờ. Đậu mùa khỉ là một căn bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người lưu hành ở một số vùng Trung và Tây Phi. Bệnh chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc gần với động vật có vú hoang dã, đặc biệt là khi tiếp xúc với thịt thú rừng, trong một thời gian dài không có sự lây truyền từ người sang người.
Khi đó, rất hiếm khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh bên ngoài các khu vực lưu hành. Tình hình đã thay đổi đột ngột vào năm 2022, một đợt bùng phát toàn cầu lớn, diễn biến nhanh chóng đã gây ra hơn 99.000 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm ở 116 quốc gia.
Vào thời điểm đỉnh điểm của dịch vào tháng 8/2022, hơn 6.000 trường hợp được báo cáo mỗi tuần. Hầu hết các trường hợp được báo cáo từ các quốc gia không lưu hành bệnh, chủ yếu là ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Mặc dù hầu hết các trường hợp không đặc biệt nghiêm trọng về mặt lâm sàng và số người tử vong chỉ hơn 200 người, nhưng WHO đã tuyên bố đây là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 23/7/2022.
Đợt bùng phát toàn cầu vào năm 2022 là do nhánh II của virus đậu mùa khỉ và không độc lực bằng nhánh I, cho đến nay chỉ được phát hiện ở lưu vực Congo. WHO đã tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp đầu tiên về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế vào tháng 5/2023.
Việt Nam cần làm gì để ứng phó?
Theo PGS Phu, từ năm 2022 đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác các ca bệnh đậu mùa khỉ, với 202 ca mắc, 8 ca tử vong. Bệnh chủ yếu lây trong cộng đồng hẹp (đối tượng mại dâm, đặc biệt là đồng tính nam), chưa thấy ở những cộng đồng bên ngoài.
“Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, thay vào đó phải cảnh giác vì bệnh diễn biến phức tạp, có thể lây lan từ các nước khác vào Việt Nam. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng xuất hiện biến thể mới của virus”, PGS Phu nhấn mạnh.
Theo ông, chúng ta không quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan mà cần có biện pháp thích hợp để ứng phó với tình hình dịch.
Cụ thể, giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, thực hiện khai báo y tế với những người trở về từ vùng dịch… Những người trở về từ vùng có dịch có triệu chứng nghi ngờ cần đến cơ sở y tế được thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời… Đồng thời, các địa phương tiến hành giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh.
Ngày 19/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng, tập huấn cho cán bộ y tế, rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch…
Điều này nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.
Các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ gồm:
– Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…).
– Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, sốt (>38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.
– Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:
+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.
“Những trường hợp ở cộng đồng có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt có yếu tố dịch tễ liên quan…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh kịp thời”, PGS Phu nhấn mạnh.