- Hàng năm có khoảng một tỷ trường hợp cúm mùa, trong số đó có 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng.
- Cúm mùa gây ra 290 000 đến 650 000 ca tử vong do hô hấp hàng năm.
- 99% trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến cúm là ở các nước đang phát triển.
- Các triệu chứng bắt đầu 1-4 ngày sau khi nhiễm bệnh và thường kéo dài khoảng một tuần.
Tổng quan về cúm mùa
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Hầu hết mọi người hồi phục mà không cần điều trị.
Cúm lây lan dễ dàng giữa người với người khi họ ho hoặc hắt hơi. Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng bệnh.
Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi.
Điều trị cúm mùa nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng. Những người bị cúm nên nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng. Hầu hết mọi người sẽ tự hồi phục trong vòng một tuần. Chăm sóc y tế có thể cần thiết trong trường hợp nghiêm trọng và cho những người có yếu tố nguy cơ.
Có 4 loại virus cúm là loại A, B, C và D. Virus cúm A và B lưu hành và gây dịch bệnh theo mùa.
- Virus cúm A được phân loại thành các phân nhóm theo sự kết hợp của các protein trên bề mặt virus. Hiện đang lưu hành ở người là vi-rút cúm loại A (H1N1) và A (H3N2). Cúm A (H1N1) cũng được viết là A (H1N1) pdm09 vì nó gây ra đại dịch vào năm 2009 và thay thế virus A (H1N1) trước đó đã lưu hành trước năm 2009. Chỉ có virus cúm loại A được biết là đã gây ra đại dịch.
- Vi-rút cúm B không được phân loại thành các phân nhóm nhưng có thể được chia thành các dòng. Vi-rút cúm B chia ra dòng B / Yamagata hoặc B / Victoria.
- Vi-rút cúm C được phát hiện ít phổ biến hơn và thường gây triệu chứng nhẹ, do đó không có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
- Vi-rút cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không được biết là lây nhiễm hoặc gây bệnh ở người.
Dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh cúm thường bắt đầu khoảng 2 ngày sau khi bị nhiễm bởi người có virus.
Các triệu chứng bao gồm:
- Khởi phát sốt đột ngột
- Ho (thường là ho khan)
- Đau đầu
- Đau cơ và khớp
- Mệt mỏi
- Đau họng
- Sổ mũi.
Ho có thể nặng và có thể kéo dài 2 tuần hoặc hơn.
Hầu hết mọi người hồi phục sau sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao.
Cúm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các bệnh mãn tính khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, cúm có thể dẫn đến viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Những người có vấn đề y tế khác hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Nhập viện và tử vong do cúm xảy ra chủ yếu ở các nhóm nguy cơ cao.
Ở các nước công nghiệp phát triển, hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến cúm xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên .
Ảnh hưởng của dịch cúm theo mùa ở các nước đang phát triển chưa được biết đầy đủ, nhưng nghiên cứu ước tính rằng 99% trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến cúm là ở các nước đang phát triển.
Con đường lây truyền
Cúm mùa lây lan dễ dàng, lây truyền nhanh chóng ở những khu vực đông đúc bao gồm trường học và viện dưỡng lão. Khi một người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn có chứa vi-rút được phân tán vào không khí và có thể lây nhiễm cho những người ở gần. Virus cũng có thể lây lan qua bàn tay bị nhiễm virus cúm. Để ngăn ngừa lây truyền, mọi người nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho và rửa tay thường xuyên.
Ở vùng khí hậu ôn đới, dịch bệnh theo mùa xảy ra chủ yếu vào mùa đông, trong khi ở các vùng nhiệt đới, cúm có thể xảy ra quanh năm, khiến dịch bùng phát bất thường hơn.
Thời gian từ khi nhiễm trùng đến khi bị bệnh, được gọi là thời gian ủ bệnh, là khoảng 2 ngày, nhưng dao động từ 1-4 ngày.
Chẩn đoán
Hầu hết các trường hợp cúm ở người được chẩn đoán lâm sàng. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động cúm thấp hoặc ngoài tình huống dịch bệnh, việc lây nhiễm các vi-rút đường hô hấp khác (ví dụ SARS-CoV-2, rhinovirus, vi-rút hợp bào hô hấp, parainfluenza và adenovirus) cũng có thể biểu hiện dưới dạng bệnh giống cúm (ILI), khiến cho việc phân biệt lâm sàng cúm với các mầm bệnh khác trở nên khó khăn.
Việc thu thập các mẫu hô hấp thích hợp và áp dụng xét nghiệm chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là cần thiết để thiết lập chẩn đoán xác định. Thu thập, bảo quản và vận chuyển đúng cách các mẫu bệnh phẩm hô hấp là bước đầu tiên cần thiết để phát hiện nhiễm vi-rút cúm trong phòng thí nghiệm. Xác nhận trong phòng thí nghiệm thường được thực hiện bằng cách sử dụng phát hiện kháng nguyên trực tiếp, phân lập vi-rút hoặc phát hiện RNA đặc hiệu cúm bằng phản ứng RT-PCR. Các hướng dẫn khác nhau về các kỹ thuật phòng thí nghiệm được WHO công bố và cập nhật.
Các xét nghiệm chẩn đoán nhanh được sử dụng trong môi trường lâm sàng, nhưng chúng có độ nhạy thấp hơn so với phương pháp RT-PCR và độ tin cậy của chúng phụ thuộc phần lớn vào các điều kiện mà chúng được sử dụng.
Điều trị
Hầu hết mọi người sẽ tự khỏi bệnh cúm. Những người có triệu chứng nghiêm trọng hoặc các tình trạng y tế bất thường khác nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Những người có triệu chứng nhẹ nên:
- Ở nhà để tránh lây nhiễm cho người khác
- Nghỉ ngơi
- Uống nhiều nước
- Điều trị các triệu chứng khác như sốt
- Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Những người có nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng nên được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút càng sớm càng tốt. Họ bao gồm những người:
- Đang mang thai
- Trẻ em dưới 59 tháng tuổi
- Người già từ 65 tuổi trở lên
- Người bệnh có yếu tố bệnh nềnc bệnh mãn tính khác
- Những bệnh nhân đang hóa trị
- Bệnh nhân sống chung với hệ thống miễn dịch bị ức chế do HIV hoặc các tình trạng khác.
Hệ thống Giám sát và Ứng phó Cúm Toàn cầu của WHO (GISRS) giám sát khả năng kháng thuốc kháng vi-rút trong số các vi-rút cúm lưu hành để cung cấp bằng chứng kịp thời cho các chính sách quốc gia liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng vi-rút.
Phòng chống bệnh
Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm.
Vắc-xin là liệu pháp an toàn và hiệu quả đã được sử dụng trong hơn 60 năm. Miễn dịch từ tiêm chủng cúm không phải là vĩnh viến mà giảm dần thời gian, vì vậy nên tiêm phòng hàng năm để bảo vệ chống lại bệnh cúm.
Vắc-xin được cập nhật thường xuyên với các loại vắc-xin mới được phát triển có chứa vi-rút phù hợp với vi-rút lưu hành. Một số vắc-xin cúm bất hoạt và vắc-xin cúm tái tổ hợp có sẵn ở dạng tiêm. Vắc-xin cúm sống giảm độc lực có sẵn dưới dạng thuốc xịt mũi.
Vắc-xin có thể kém hiệu quả hơn ở người lớn tuổi, nhưng nó sẽ làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn và giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.
Tiêm phòng đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm và người chăm sóc họ.
Tiêm phòng hàng năm được khuyến cáo cho:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Người trên 65 tuổi
- Những người mắc bệnh mãn tính
- Nhân viên y tế.
Các cách khác để ngăn ngừa cúm:
- Rửa và lau khô tay thường xuyên
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Vứt bỏ khăn giấy đúng cách
- Ở nhà khi cảm thấy không khỏe
- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
- Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
Nguồn tham khảo:
1. Estimates of US influenza-associated deaths made using four different methods.
Thompson WW, Weintraub E, Dhankhar P, Cheng OY, Brammer L, Meltzer MI, et al. Influenza Other Respi Viruses. 2009;3:37-49
2. Global burden of respiratory infections due to seasonal influenza in young children: a systematic review and meta-analysis.
Nair H, Abdullah Brooks W, Katz M et al. Lancet 2011; 378: 1917–3