MỤC LỤC BÀI VIẾT
Giá trị của xét nghiệm viêm gan C.
Tác giả: ThS. Phạm Trần Vũ Thư, PGS.TS. Bạch Khánh Hòa.
Bệnh viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan type C (HCV) gây ra. Tỷ lệ nhiễm HCV trên thế giới khoảng 1-3% dân số. Vậy xét nghiệm viêm gan C quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của bạn?
Người nhiễm HCV có diễn tiến bệnh nghiêm trọng hơn so với virus viêm gan B, với tỷ lệ cao gây viêm gan cấp, viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, ung thư tế bào gan. Tuy nhiên nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng hướng, viêm gan C có thể được chữa khỏi với xác suất thành công khá cao.
1. Xét nghiệm viêm gan C là gì?
Vật liệu di truyền của virus HCV là ARN, xuất hiện từ 2 tuần sau khi phơi nhiễm, sớm hơn rất nhiều so với kháng thể kháng HCV (từ 5-10 tuần). Xét nghiệm viêm gan C phát hiện ARN và định lượng virus HCV bằng phương pháp PCR được xem là phương pháp có độ nhạy cao nhất, có thể phát hiện virus HCV ngay cả khi nồng độ virus trong máu còn rất thấp.
Đây còn là phương pháp cận lâm sàng quan trọng để đánh giá và kiểm soát nhiễm HCV mạn tính và được sử dụng để tiên lượng và theo dõi hiệu quả của liệu pháp điều trị.
Trong kỹ thuật này, mẫu huyết tương hoặc huyết thanh của bệnh nhân được sử dụng để tách chiết ARN. Sau đó, ARN được phiên mã ngược thành cADN và khuếch đại bằng phản ứng chuỗi trùng hợp PCR. Trong mỗi chu kỳ khuếch đại, bộ đọc tín hiệu trong máy PCR ghi nhận tín hiệu huỳnh quang từ mẫu dò đặc hiệu với vật liệu di truyền của virus. Tín hiệu huỳnh quang này được sử dụng để tính toán nồng độ virus HCV trong mẫu.
2.Chỉ định xét nghiệm viêm gan C
Chỉ định đối với bệnh nhân thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
– Có biểu hiện của viêm gan C cấp;
– Nghi ngờ phơi nhiễm viêm gan C;
– Có antiHCV dương tính;
– Chỉ định trong đánh giá và theo dõi bệnh nhân điều trị viêm gan C.
3. Ý nghĩa xét nghiệm viêm gan C
Ý nghĩa xét nghiệm HCV-ARN trong chẩn đoán:
Xác định viêm gan C cấp
Sau 2 tuần phơi nhiễm, xét nghiệm HCV-ARN cho kết quả dương tính, khi đó cơ thể chưa xuất hiện kháng thể kháng HCV (cần 5-10 tuần). Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm gan C cấp khi có HCV-ARN dương tính nhưng anti-HCV âm tính.
Xác định viêm gan C mạn
Khoảng 80% số người nhiễm HCV chuyển sang viêm gan C mạn tính. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm gan C mạn tính khi có HCV-ARN dương tính và Anti-HCV dương tính. Trong trường hợp này, xét nghiệm HCV-ARN có thể thay bằng xét nghiệm kháng nguyên lõi của HCV (HCV core-Ag).
Xác định viêm gan C ở trẻ em
– Trẻ em < 18 tháng tuổi: Trẻ được chẩn đoán là nhiễm HCV khi có ít nhất hai lần HCV-ARN dương tính. Xét nghiệm HCV-ARN được thực hiện lúc trẻ 6 tháng và 12 tháng.
– Trẻ em trên 18 tháng tuổi: Được chẩn đoán nhiễm HCV khi HCV-ARN dương tính và anti-HCV dương tính.
Ý nghĩa xét nghiệm viêm gan C, HCV-ARN trong điều trị:
Ý nghĩa trong chỉ định điều trị:
Chỉ định điều trị khi người bệnh có HCV RNA dương tính và anti-HCV dương tính.
Trước khi bắt đầu điều trị, cần theo dõi HCV RNA ít nhất 12 tuần sau chẩn đoán, để xác định khả năng thải trừ virus tự nhiên: nếu HCV RNA dương tính sau 12 tuần theo dõi mới bắt đầu điều trị.
Ý nghĩa trong theo dõi sau điều trị:
Điều trị khỏi bệnh viêm gan vi rút C là khi người bệnh đạt đáp ứng vi rút bền vững: tải lượng HCV RNA dưới ngưỡng phát hiện (< 15 IU/ml) ở tuần thứ 12 sau khi kết thúc điều trị, gọi là SVR 12. Khi người bệnh sử dụng phác đồ điều trị có Peg-interferon thì tải lượng HCV RNA phải dưới ngưỡng phát hiện ở tuần thứ 24 sau khi kết thúc điều trị: SVR 24.
Ý nghĩa trong chỉ định thay đổi phác đồ điều trị
Tại tuần thứ 4 của quá trình điều trị, nếu kết quả định lượng HCV RNA trên ngưỡng thì cần xét nghiệm định lượng HCV RNA tại tuần thứ 8. Nếu HCV RNA tăng >10 lần (> 1 log10 IU/ml) thì ngừng điều trị và thay đổi phác đồ đang sử dụng.
4. Yếu tố ảnh hưởng kết quả xét nghiệm viêm gan C
– RNA của virus là vật liệu di truyền không bền, dễ bị phân hủy. Do vậy, xét nghiệm nên được tiến hành sớm sau khi lấy mẫu để tránh kết quả bị giảm số lượng.
– Xét nghiệm có thể được thực hiện bằng mẫu huyết tương hoặc huyết thanh, tuy nhiên việc tạo thành cục máu đông có thể làm giảm số lượng virus trong huyết thanh. Do vậy khuyến khích sử dụng ống EDTA để thực hiện xét nghiệm.
– Không sử dụng ống chống đông Heparin do có thể bị ức chế phản ứng PCR.
Lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển xét nghiệm viêm gan C:
– Lấy mẫu: 2 ml máu toàn phần vào ống EDTA hoặc ống Serum.
– Bảo quản – vận chuyển: Bảo quản nhiệt độ phòng 18- 25 độ C, tối đa trong vòng 24h phải chuyển tới phòng xét nghiệm. Hoặc giữ ở tủ mát 2-8 độ C và chuyển tới phòng xét nghiệm trong vòng 2 ngày. Trong trường hợp chưa vận chuyển được ngay, có thể tách huyết tương hoặc huyết thanh và giữ ở nhiệt độ -20 độ C cho đến khi vận chuyển.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định 5012/QĐ-BYT năm 2016 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan virus C do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
2. Mita E, Hayashi N, Hagiwara H, Ueda K, Kanazawa Y, Kasahara A, Fusamoto H, Kamada T. Predicting interferon therapy efficacy from hepatitis C virus genotype and RNA titer. Dig Dis Sci. 1994;39:977-98
3. Laure Stella Ghoma Linguissi, Celine Nguefeu Nkenfou. BMC Res Notes. 2017; 10: 665.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/gia-tri-cua-xet-nghiem–viem-gan-c-s159-n10820
Công ty TNHH Thiết bị ABT hiện đang sản xuất và cung cấp ra thị trường các bộ Kit chẩn đoán, định lượng HBV, HCV trên nền tảng là kỹ thuật real-time PCR.
Quý khách hàng có nhu cầu xin tham khảo tại đây.