MỤC LỤC BÀI VIẾT
Nhiễm khuẩn Salmonella
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính đến ngày 14/5/2024, hơn 500 người đã phải nhập viện, trong đó một bệnh nhi có tiên lượng rất nặng trong vụ việc ngộ độc thực phẩm liên quan đến 1 tiệm bánh, nhiều trường hợp trong số này dương tính với vi khuẩn Salmonella.
Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khuẩn Salmonella là thủ phạm hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độ quy mô lớn. Vào cơ thể người qua đường ăn uống, vi khuẩn Salmonella sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.
Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35 – 37ºC). Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra.
Theo thống kê của WHO, trên toàn thế giới có hơn 16 triệu ca bệnh thương hàn hàng năm, hơn nửa triệu trong số đó là tử vong. Salmonella có khả năng sống sót hàng tuần bên ngoài cơ thể con người hoặc động vật. Ánh sáng mặt trời (tia UV) làm tăng tốc độ chết của các tác nhân gây bệnh. Trong phân khô, chúng còn có thể sống được 2,5 năm. Vi khuẩn không bị giết bằng cách đông lạnh. Trong môi trường axit, vi khuẩn Salmonella chết đi nhanh chóng và chất diệt khuẩn phổ biến giết chết chúng trong vòng vài phút. Ở nhiệt độ dưới 6°C, mức tăng trưởng của chúng chậm hơn nhiều. Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, thực phẩm được khuyến cáo là khi chế biến ít nhất nên giữ ở nhiệt độ ở 75°C trong ít nhất mười phút (nhiệt độ trong lõi), trứng tươi cần bảo quản trong tủ lạnh.
Riêng tại Việt Nam đã có nhiều trường hợp ngộ độc hàng loạt vì trực khuẩn Salmonella, như là tại Thành phố Đồng Hới với gần 250 người phải nhập viện từ ngày 14 tháng 10 năm 2015 vì bánh mì thịt, bánh mì trứng nhiễm khuẩn. Tại TP Hồ Chí Minh, trong đợt giám sát thí điểm năm 2013, sau khi lấy 1.618 mẫu tại chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã phát hiện Salmonella trong 30% mẫu thịt heo và 45% trong mẫu thịt gà. Tại Khánh Hoà, hơn 600 em sinh trường Ischool Nha Trang đã phải nhập viện và khiến ít nhất một bé trai tử vong sau bữa ăn trưa ngày 17/11/2022 do nhiễm khuẩn Salmonella và một số khuẩn khác theo kết luận của Viện Pasteur Nha Trang
Những triệu chứng nào xảy ra khi ngộ độc Salmonella?
Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh và kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số người không xuất hiện các triệu chứng trong vài tuần sau khi nhiễm bệnh và những người khác lại có các triệu chứng trong vài tuần. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tiêu chảy
- Co thắt dạ dày
- Đau đầu
- Sốt
- Nôn mửa
- Mất nước (mất dịch cơ thể), đặc biệt ở trẻ sơ sinh và người già
Nhiễm khuẩn Salmonella có thể bị nặng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Bệnh lây lan như thế nào?
- Vi khuẩn salmonella rời khỏi cơ thể qua phân của người và động vật bị nhiễm bệnh. Những người khác bị nhiễm khuẩn khi tay, thực phẩm, hoặc đồ vật dính phân bị nhiễm khuẩn được cho vào miệng.
- Những người bị nhiễm Salmonella có thể truyền vi khuẩn sang người khác nếu họ không rửa sạch tay của mình sau khi đi vệ sinh.
- Một người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do:
- Ăn đồ ăn hoặc uống nước hoặc sữa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
- Ăn hoặc chạm vào miệng sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn mà không rửa tay trước. Động vật bị nhiễm khuẩn thường không có vẻ bị ốm. Động vật thường bị nhiễm khuẩn Salmonellabao gồm gà, vịt, lợn, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như rắn, thằn lằn và rùa. Thú nuôi là nguồn nhiễm khuẩn phổ biến.
- Ăn đồ ăn sẵn (các loại đồ ăn không cần nấu nướng) được chế biến trên các bề mặt chế biến thực phẩm hoặc bằng các đồ dùng bị nhiễm Salmonella.
Bệnh được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
- Nhiễm khuẩn Salmonellathường được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm phân để phát hiện vi khuẩn.
- Hầu hết mọi người đều hồi phục mà không cần điều trị. Đôi khi, kháng sinh được sử dụng cho những người bị bệnh nặng. Kháng sinh cũng có thể hữu ích đối với trẻ sơ sinh và những người bị một số bệnh mạn tính nhất định.
- Nên uống nhiều chất lỏng để ngăn mất nước.
Phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn Salmonella?
- Rửa sạch tay (với xà bông) sau khi đi vệ sinh, thay tã, chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.
- Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm chế biến (bơ, sữa, xúc xích, thịt nguội, pa-tê…) của những nơi cung ứng đáng tin cậy, có điều kiện bảo quản tốt…
- Tách biệt giữa thực phẩm nấu chín và chưa nấu. Khi vận chuyển, bảo quản phải tách biệt trái cây và rau quả với thịt sống. Luôn bảo quản thức ăn chưa dùng trong tủ lạnh
- Hạn chế ăn trứng sống và chưa nấu chín, hạn chế hoặc tránh món ăn có chứa trứng sống.
- Luộc chín kỹ các loại thịt, đặc biệt là thịt gà (tới khi thịt không còn đỏ hoặc màu hồng).
- Không dùng sữa chưa được tiệt trùng, hay các sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng khác.
- Không ăn những trái cây và rau quả đã cắt sẵn và không được bảo quản lạnh.
- Bảo đảm an toàn thực phẩm, sau khi chế biến những món sống phải làm sạch các dụng cụ chế biến, bếp… bằng xà bông và nước hoặc dung dịch tẩy rửa.
- Không để các loài bò sát và lưỡng cư vào trong nhà có trẻ dưới 5 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Giải pháp xét nghiệm Salmonella chính xác nhất
ABT HN tự hào là 1 trong các đơn vị uy tín cung cấp giải pháp xét nghiệm vi khuẩn Salmonella, góp phần vào công cuộc đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm. Sản phẩm do ABT HN cung cấp có chất lượng ổn định, giá cả phải chăng đi kèm đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chuyên nghiệp đảm bảo sẽ làm hài lòng quý khách. Chi tiết sản phẩm quý khách có thể xem tại:
Tài liệu tham khảo:
- https://www.cdc.gov/nationalsurveillance/salmonella-surveillance.html
- https://vnexpress.net/khuan-salmonella-e-coli-la-thu-pham-gay-ngo-doc-568-nguoi-o-dong-nai-4743176.html
- https://www.healthlinkbc.ca/healthlinkbc-files/salmonellosis