Bệnh viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan C (Hepatis C Virus- HCV) gây ra. Bệnh khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2017, trên thế giới có 71 triệu người bị viêm gan C mạn tính. Trong đó 14 triệu người sống ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi viêm gan do virus là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm.
Việt Nam là nước có gánh nặng về bệnh gan đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính năm 2017, nước ta có 991.153 người bị nhiễm HCV mạn tính trong đó có 6.638 người tử vong do bệnh gan liên quan đến HCV.
WHO khuyến cáo cần được xét nghiệm viêm gan C thường xuyên.
-
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Mục đích xét nghiệm viêm gan C
– Phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị và phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan C.
– Đảm bảo an toàn trong truyền máu, cấy ghép mô/tạng, thụ tinh nhân tạo.
– Giám sát dịch tễ nhiễm virus viêm gan C và nghiên cứu khoa học.
-
Nguyên tắc xét nghiệm
– Đảm bảo tính bảo mật và tự nguyện.
– Cung cấp thông tin trước xét nghiệm và tư vấn sau xét nghiệm.
– Tuân thủ phương cách, quy trình xét nghiệm.
– Đảm bảo chất lượng xét nghiệm.
– Kết nối với các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị.
-
Phương pháp và kỹ thuật xét nghiệm
Các xét nghiệm chẩn đoán virus viêm gan C được chia thành hai nhóm kỹ thuật xét nghiệm.
3.1. Xét nghiệm huyết thanh học
Là xét nghiệm phát hiện các kháng nguyên và kháng thể đặc hiệu của virus viêm gan C bằng các kỹ thuật xét nghiệm dựa trên nguyên lý miễn dịch. Theo mức độ đơn giản của kỹ thuật xét nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất cần thiết, xét nghiệm huyết thanh chia thành 2 dạng.
* Xét nghiệm nhanh (Rapid Diagnostic Test – RDT): Cách thực hiện đơn giản, cho kết quả nhanh.
* Xét nghiệm tại phòng xét nghiệm (Laboratory-based assays), sử dụng các kỹ thuật theo nguyên lý miễn dịch đánh dấu, ví dụ:
– Miễn dịch gắn men (Enzyme Linked Immunoarobent Assays – ELISA).
– Miễn dịch hoá phát quang (Chemoluminescence Immunoassay – CLIA).
– Miễn dịch điện hoá phát quang (Electrochemoluminescence Immunoassay – ECLIA).
– Miễn dịch vi hạt gắn men (Microparticle enzyme Immunoassays – MEIA).
– Miễn dịch vi hạt hoá phát quang (Chemiluminesence microparticle Immunoassays-CMIA).
Các xét nghiệm huyết thanh học chủ yếu được thực hiện trên mẫu huyết thanh, huyết tương. Xét nghiệm nhanh có thể thực hiện trên cả mẫu máu toàn phần, dịch miệng.
3.2. Xét nghiệm sinh học phân tử
– Định tính: phát hiện HCV RNA bằng kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) khuyếch đại vật liệu di truyền của HCV.
– Định lượng (đo tải lượng) HCV: xác định mật độ virus trong máu bằng kỹ thuật Real-time PCR khuyếch đại vật liệu di truyền của HCV. Đây là xét nghiệm cần cho chỉ định điều trị và theo dõi điều trị viêm gan virus mạn tính bằng các thuốc kháng virú.
– Kiểu gen HCV: chỉ thực hiện khi phải lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với kiểu gen của virus (đối với bệnh nhân viêm gan C) hoặc khi người bệnh được chẩn đoán điều trì thất bại nghi ngờ do kháng thuốc.
Theo mức độ đơn giản của kỹ thuật xét nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất cần thiết, xét nghiệm sinh học phân tử, chia thành 2 nhóm:
+ Xét nghiệm tại điểm chăm sóc (Point of Care Test): sử dụng các thiết bị đơn giản có khả năng thực hiện tại các tuyến y tế cơ sở và cho kết quả nhanh.
+ Xét nghiệm tại phòng xét nghiệm (Laboratory – based assays) trên các hệ thống tự động (automatic), bán tự động (semi-automatic) hoặc thao tác thủ công.
-
Đối tượng xét nghiệm
– Người đến tư vấn, xét nghiệm tại các phòng khám tư vấn xét nghiệm HIV, lao.
– Phụ nữ mang thai.
– Người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HCV: người nhiễm HIV, người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm, phạm nhân, người có quan hệ tình dục không an toàn.
– Người có biểu hiện nghi ngờ mắc viêm gan: có triệu chứng lâm sàng của viêm gan và hoặc xét nghiệm men gan tăng.
– Người bệnh phải lọc máu, truyền máu và chế phẩm máu.
– Người bệnh trước khi điều trị ức chế miễn dịch, hoá trị liệu.
– Người hiến máu, người hiến tạng, người cho trứng, tinh trùng.
– Bạn tình, con cái, thành viên gia đình có tiếp xúc gần gũi với người nhiễm HCV
– Người có tiền sử tiêm, làm thủ thuật không an toàn.
– Các đối tượng khác theo yêu cầu.
Công ty TNHH Thiết bị ABT chúng tôi cung cấp giải pháp xét nghiệm HCV bằng phương pháp xét nghiệm RNA virus
Tham khảo thêm tại:
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN XÉT NGHIỆM VI RÚT VIÊM GAN B, C
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN VI RÚT C