Tổng quan
Viêm gan C là bệnh viêm gan do Hepatitis C virus (HCV) gây ra. Bệnh khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan C có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính:
- Viêm gan C cấp tính: Người bệnh thường không có triệu chứng và khoảng 30% (15–45%) người nhiễm bệnh có khả năng loại bỏ hết virus trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều không tự diệt sạch được virus trong giai đoạn cấp.
- Viêm gan C mạn tính: Khoảng 70% (55–85%) bệnh nhân sẽ không thể tự loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan C trong cơ thể và sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính. Trong số những người bị nhiễm HCV mạn tính, nguy cơ xơ gan từ 15% đến 30% trong vòng 20 năm.
Hiện nay, chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C hiệu quả, nhưng vẫn có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus. Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa tổn thương gan nghiêm trọng và cải thiện sức khỏe lâu dài.
Triệu chứng của bệnh
Khi mắc bệnh, virus viêm gan C đi từ máu đến gan và sinh sôi ở đó. Cùng lúc đó, cơ thể bạn bắt đầu chống lại nhiễm trùng. Viêm gan C được xem là “một bệnh thầm lặng”. Chỉ khoảng 1/3 người mắc bệnh có biểu hiện triệu chứng và những triệu chứng này thường nhẹ, nên bạn có thể không hề biết là mình đã mắc bệnh.
Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm:
- Sốt
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và ói mửa
- Chướng bụng
- Nước tiểu màu sẫm
- Phân nhạt màu
- Vàng mắt (tròng trắng), vàng da
Con đường lây truyền
Virus viêm gan C là virus lây truyền qua đường máu và thường thông qua:
- Việc tái sử dụng hoặc khử trùng không đầy đủ các thiết bị y tế, đặc biệt là ống tiêm và kim tiêm trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe
- Việc truyền máu và các sản phẩm máu chưa được sàng lọc
- Việc sử dụng chung kim tiêm khi tiêm chích ma túy.
Ngoài ra, HCV có thể truyền từ mẹ bị nhiễm sang con hoặc qua các hoạt động tình dục dẫn đến tiếp xúc với máu (ví dụ, những người có nhiều bạn tình và giữa những người nam có quan hệ đồng tính). Tuy nhiên, các phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn.
Viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước hoặc tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và chia sẻ thức ăn hoặc đồ uống với người bị nhiễm bệnh.
Các phương pháp điều trị
Có những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh viêm gan C. Mục tiêu của việc điều trị là chữa khỏi bệnh và ngăn ngừa tổn thương gan lâu dài. Việc điều trị viêm gan C mạn tính luôn cần thiết.
Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để điều trị bệnh viêm gan C như: Interferon, Ribavirin.
– Interferon: được sử dụng để làm tăng sức đề kháng tự nhiên để tiêu diệt virus viêm gan C. Đặc biệt, đây là loại thuốc sẽ bị phá hủy qua đường tiêu hóa vì thế thuốc này chỉ được sử dụng tiêm dưới da.
– Ribavirin: thuốc này hỗ trợ có thể làm tăng cường tác dụng điều trị của thuốc interferon khi sử dụng. Thuốc này làm tăng hiệu quả của interferon, nhưng nếu chỉ sử dụng ribavirin thì không thể tiêu diệt được virus.
Ngoài ra, ở từng giai đoạn, bác sĩ cũng có từng phác đồ điều trị riêng như:
– Ở giai đoạn cấp tính: cần tăng cường khả năng miễn dịch để chống lại virus viêm gan C.
– Ở giai đoạn mãn tính: bệnh nhân cần được loại bỏ virus ra khỏi cơ thể trước khi bệnh tiến triển để lại những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, người bệnh bị viêm gan C cũng có thể được hưởng lợi từ việc thay đổi lối sống, chẳng hạn như tránh uống rượu và có chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng. Kết hợp với phương pháp điều trị thích hợp, nhiều người có thể khỏi bệnh viêm gan C và sống khỏe mạnh.
Tuy hiện, khả năng tiếp cận điều trị HCV đang được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Trong số 58 triệu người bị nhiễm HCV trên toàn cầu vào năm 2019, ước tính có khoảng 21% (15,2 triệu) biết chẩn đoán của họ.
Phòng ngừa
Hiện này, không có vaccine hiệu quả để phòng chống viêm gan C. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tránh tiếp xúc với virus
Cần thận trọng hơn trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cho nhóm người có nguy cơ nhiễm virus viêm gan C cao. Nhóm người có nguy cơ cao bao gồm những người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và những người nhiễm HIV.
Các cách phòng ngừa lây nhiễm viêm gan C:
- Sử dụng an toàn và thích hợp các dụng cụ chăm sóc sức khỏe
- Xử lý, tiêu hủy kim tiêm và chất thải y tế an toàn
- Xét nghiệm máu được hiến tặng để tìm virus viêm gan C và các virus khác
- Nâng cao kiến thức cho nhân viên y tế
- Thực hành tình dục an toàn bằng cách sử dụng các phương pháp an toàn như bao cao su.
Nguồn: https://www.cdc.gov/hepatitis/hcv/hcvfaq.htm#Ref01
https://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-c