MỤC LỤC BÀI VIẾT
Thông tin chính
- Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng để bảo vệ cây trồng chống côn trùng, cỏ dại, nấm và các loài gây hại khác.
- Thuốc bảo vệ thực vật có khả năng gây độc cho con người và có cả ảnh hưởng sức khỏe cấp tính và mãn tính, tùy thuộc vào số lượng và cách thức mà một người tiếp xúc.
- Một số loại thuốc bảo vệ thực vật có thể tồn tại trong nhiều năm trong đất và nước. Nhiều hóa chất trong số này đã bị cấm sử dụng trong nông nghiệp ở các nước phát triển, nhưng chúng vẫn được sử dụng ở nhiều nước đang phát triển.
- Để bảo vệ người tiêu dùng thực phẩm khỏi tác động bất lợi của thuốc bảo vệ thực vật, WHO xem xét hiên trạng và đưa ra các giới hạn dư lượng tối đa được quốc tế chấp nhận.
Tổng quan
Có hơn 1000 loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên khắp thế giới trong quá trình canh tác. Mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật có tính chất và độc tính khác nhau.
Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trước đây, chẳng hạn như dichlorodiphenyltrichloroethane (DDT) và lindane, có thể tồn tại trong nhiều năm trong đất và nước. Những hóa chất này đã bị cấm bởi các quốc gia ký kết hiệp ước Stockholm 2001, một hiệp ước quốc tế nhằm loại bỏ hoặc hạn chế sản xuất và sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Độc tính của thuốc bảo vệ thực vật phụ thuộc vào chức năng của nó và các yếu tố khác. Ví dụ, thuốc trừ sâu có xu hướng độc hại đối với con người hơn so với thuốc diệt cỏ. Tùy vào liều lượng phơi nhiễm mà ảnh hưởng của chúng cũng khác nhau. Đồng thời, độc tính cũng có thể phụ thuộc vào tuyến đường phơi nhiễm xảy ra (chẳng hạn như bằng cách nuốt, hít vào hoặc tiếp xúc trực tiếp với da).
Không có loại thuốc bảo vệ thực vật thương mại được phép sử dụng có khả năng gây độc gen (gây tổn hại cho DNA, có thể gây đột biến hoặc ung thư). Tuy nhiên, tác dụng phụ của các loại thuốc bảo vệ thực vật này vẫn có thể xảy ra khi dư lượng vượt trên một mức độ an toàn nhất định. Khi mọi người tiếp xúc với một lượng lớn thuốc bảo vệ thực, kết quả có thể là ngộ độc cấp tính hoặc ảnh hưởng sức khỏe lâu dài có thể bao gồm ung thư và ảnh hưởng khả năng sinh sản
Thực trạng hiện nay
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ước tính đến năm 2050 có sẽ có 9,7 tỷ người trên Trái đất – nhiều hơn khoảng 30% so với năm 2017. Số gia tăng này dự kiến chủ yếu đến từ những nước đang phát triển có cơ cấu dân số trẻ, còn nhiều khả năng tăng trưởng.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng ở các nước đang phát triển, cần gia tăng sản xuất lương thực 80% để đảm bảo an ninh lương thực trước tốc độ gia tăng dân số. Sự gia tăng được dự đoán sẽ đến từ gia tăng năng suất hoặc gia tăng mùa vụ canh tác trong một năm. Chỉ có 20% lượng lương thực được dự đoán gia tăng nhờ việc mở rộng diện tích canh tác
Thuốc bảo vệ thực vật có thể ngăn ngừa tổn thất lớn cho mùa màng và do đó sẽ tiếp tục giữ một vai trò trong nông nghiệp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đối với con người và môi trường là một một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất lương thực, dù với mục đích để nuôi sống người dân địa phương hay xuất khẩu, nên tuân thủ các quy định bất kể tình huống nào. Nông dân nên hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở mức tối thiểu cần thiết để bảo vệ cây trồng.
Hành động của WHO
Có 1 sự thật là nông nghiệp canh tác cần thuốc bảo về thực vật để đảm bảo năng suất trước các thách thức về an ninh lương thực. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người mà vẫn đảm bảo các mục tiêu về an ninh lương thực, WHO đã phối hợp với FAO để thành lập cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro đối với con người từ thuốc bảo vệ thực vật và khuyến nghị các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Đánh giá rủi ro đối với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia khoa học quốc tế độc lập từ FAO và WHO. Những đánh giá này dựa trên tất cả các dữ liệu thu thập ở mức quốc gia về thuốc bảo vệ thực vật trên toàn thế giới, cũng như tất cả các nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí đánh giá ngang cấp. Sau khi đánh giá mức độ rủi ro, JMPR thiết lập các giới hạn về dư lượng an toàn để đảm bảo rằng lượng thuốc bảo vệ thực vật mà mọi người tiếp xúc thông qua việc ăn thực phẩm trong suốt cuộc đời của họ sẽ không dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật này đã được sử dụng bởi các chính phủ và các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Ủy ban Codex Alimentarius (Cơ quan liên chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn thực phẩm), để thiết lập giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Tiêu chuẩn Codex là tài liệu tham khảo cho thương mại quốc tế về thực phẩm, có nghĩa là người tiêu dùng ở khắp mọi nơi có thể tự tin rằng thực phẩm họ mua đáp ứng các tiêu chuẩn đã thỏa thuận về an toàn và chất lượng, bất kể nó được sản xuất ở đâu. Hiện nay đã có tiêu chuẩn Codex cho hơn 100 loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau.
WHO và FAO đã cùng nhau xây dựng ‘Bộ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý thuốc bảo vệ thực vật’. Nó hướng dẫn các cơ quan quản lý chính phủ và các bên liên quan khác về việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật trong suốt vòng đời của chúng, từ sản xuất đến xử lý.
Quy định giới hạn tối đa của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, sự hòa nhập của Việt Nam vào thị trường toàn cầu đã ngày càng sâu rộng, dẫn đến nhu cầu tăng cao về các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta từ các thị trường. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh qua các năm, đạt trên 53 tỷ USD trong năm 2022, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, chúng ta cần đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của các nước nhập khẩu, đặc biệt là về vấn đề kiểm soát dư lượng để tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về giới hạn tối đa cho phép của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản.
Tính đến nay, Việt Nam đã xây dựng, ban hành và áp dụng một số quy định về MRL như: Luật An toàn thực phẩm 55/2010/QH12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Thông tư số 50/2016/TT-BYT. Các giá trị MRL trong Thông tư số 50 của Bộ Y tế được tham khảo từ các giá trị MRLs của CODEX và ASEAN tại thời điểm năm 2016 và được áp dụng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nội địa và xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với việc tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nhờ vào việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng phải đối mặt với các yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các quy định giới hạn dư lượng thuốc BVTV của các quốc gia nhập khẩu. Các giá trị MRL hiện nay thiếu cập nhật, chưa đồng bộ với Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Do đó, các quy định về thiết lập MRL của chúng ta cần được soát xét và cập nhật trên quan điểm (1) Bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người; (2) Phù hợp với thực trạng sản xuất và kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam; (3) Phù hợp với các quy định quản lý trong nước có liên quan và (4) Hài hòa với tiêu chuẩn và quy định quốc tế, khu vực.
Ngày 14/9/2023 tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức bảo vệ cây trồng quốc tế (CABI) tổ chức “Đối thoại về quy định giới hạn tối đa của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam”. Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và ông Ralph Bean – tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khai mạc và đồng chủ trì hội nghị.
Đến dự hội nghị trên có gần 50 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 90 đại biểu tham dự trực tuyến từ các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Tổ chức Bảo vệ cây trồng quốc tế (CABI), các Hiệp hội, Viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ và dự án đang hoạt động trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Hội nghị đã trao đổi với các đại biểu quốc tế cũng như trong nước về thiết lập MRL, từ đó đề xuất các hướng tiếp cận và giải pháp phù hợp, nâng cao chất lượng công tác thiết lập MRL phục vụ tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả thảo luận, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất phía Hoa Kỳ và các cơ quan, tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam soát xét Thông tư 50/2016/TT-BYT quy định mức tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn liên quan đến thiết lập MRL và thí điểm thiết lập mức dư lượng tối đa cho phép (import tolerance) đối với một số nông sản của Việt Nam đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Nguồn:
Pesticide residues in food (who.int)
Đối thoại về quy định giới hạn tối đa của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam (ppd.gov.vn)